Góp gió thành bão – Gánh hàng xén lên Pa Cheo

Tôi lập kế hoạch chuyến đi Pa Cheo lần này cho riêng mình, với một khởi đầu rất sơ lược và khiêm tốn. Tôi nghĩ đơn giản rằng tôi sẽ trở lại nơi đó, cố gắng giúp những gì tôi có thể, theo cách mà tôi vẫn muốn làm: ngoài giá trị vật chất có thể trao tặng, còn rất nhiều tình cảm gửi gắm vào mỗi món đồ sẽ trao.

Rồi được sự khuyến khích của 2 bác T. và một số người thân, tôi mạnh dạn biến chuyến đi này thành một kế hoạch chung trong khuôn khổ dự án “Cơm có thịt”, để mọi người ai cũng có thể gửi chút hơi ấm cho các con, để niềm hạnh phúc sẽ san đều cho tất cả.

Xin trình với bạn gánh hàng xén của tôi. Bạn nào có mẹo buôn gì hay thì giúp tôi với nhé.

A- Thông tin thị trường:

–         Trường Mẫu giáo Pa Cheo thuộc xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cách thành phố Sapa khoảng 40km, nằm trên tuyến đường từ Sapa đi Bản Chèo.

–         Trường chia làm 6 điểm nằm ở 6 thôn khác nhau (Kin Sáng Hồ – điểm chính, Hán Nắng, Tả Lèng, Xéo Pa Cheo, Tả Pa Cheo và Pờ Xì Ngài), điểm xa nhất cách điểm trường chính 12km; 4 trong 6 điểm có thể tiếp cận bằng ôtô, 2 điểm khác xe phải dừng cách trường 1km, đi bộ hoặc xe máy nốt quãng đường còn lại.

–         Số học sinh của trường trong danh sách chính thức cho tới thời điểm này là 218 bé, trong đó: 3 tuổi có 48 bé (24 nam, 24 nữ); 4 tuổi có 85 bé (43 nam, 42 nữ); 5 tuổi có 85 bé (48 nam, 37 nữ).

B- Kiểm kê hàng cần chất vào gánh:

1. Nước sạch: Hiện còn 4 điểm trường đang cần dây để dẫn nước từ nguồn trên núi về. Tổng số tiền cho 4 điểm là 10.000.000đ (mười triệu đồng). Tính bình quân với 2.500.000đ (hai triệu năm trăm ngàn đồng) ta có thể tặng một điểm trường 1 nguồn nước sạch.

        Để bảo đảm đường ống không bị mất vào mùa hè (3 tháng) và kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán (2 tuần), khi trường đóng cửa, các thầy cô về quê hết, đường ống sẽ được các thầy cô thu tạm thu về cất.

2.  Xoong nồi để nấu cơm cho bé: Tất cả xoong nồi các điểm trường đang dùng là loại nhỏ, thường các cô phải nấu làm 2 lần: nấu xong xới ra rồi nấu tiếp. Để đỡ vất vả cho các cô, ta cần có 6 nồi nấu cơm loại lớn giá mỗi cái 700.000đ (bảy trăm ngàn đồng) và 6 nồi nấu canh loại vừa giá mỗi cái 250.000đ (hai trăm năm mươi ngàn đồng). Số nồi hiện tại đang dùng sẽ được chuyển qua nấu đồ ăn mặn cho các con.

3.  Ủng: Hiện tất cả toàn trường còn 179 cháu chưa có ủng. Giá mỗi đôi ủng là 22.000đ (hai mươi hai ngàn đồng)

4.  Phản nằm cho trẻ: Có 1 số điểm trường thiếu chỗ nằm cho trẻ, các cô để con ăn xong rồi lau bàn ghép lại cho con nằm. Số khác thì thậm chí còn chẳng có phản nằm, đến giờ ngủ con chịu khó ra sân chơi lơ vơ tới giờ chiều lại vào học tiếp.

Gọi là phản cho lịch sự, thực chất là các con cần cái giát giường để trải chiếu lên nằm. Giá một tấm giát giường là 280.000đ (hai trăm tám mươi ngàn đồng) và ta cần tất cả 18 tấm để các con có đủ chỗ ngả lưng.

5. Chăn, gối: Số chăn gối các con đang dùng là đồ các cô xin lại của những trường ở vùng đồng bằng bỏ đi khi thay đồ mới. Tuy vậy số lượng vẫn còn chưa đủ. Ta cần bổ sung cho các bé tổng cộng 36 chăn và 133 gối.

6. Bát, thìa: Cần 85 cái bát và thìa để chấm dứt cảnh bé phải ngồi chờ bạn ăn xong mới đến lượt mình có bát ăn cơm. Các cô đề nghị: nếu được, mong các bác cho xin bát inox để dễ đảm bảo vệ sinh và lỡ các con có đánh rơi cũng không sao. Nói về độ bền thì có lẽ bát inox đúng là đồ dùng cho nhà nghèo, có bao nhiêu lượt học sinh ra trường thì bát vẫn còn nguyên số.

Giá một chiếc bát inox loại vừa mua tại địa phương (đường kính 15cm) là 12.000đ (mười hai ngàn đồng) bạn ạ.

7. Khăn mặt: Đương nhiên là khi không có nước thì khăn mặt cũng chẳng để làm gì. Nhưng khi có nước rồi thì tốt hơn cả là mỗi đứa trẻ có một khăn mặt riêng. Bạn có biết trường thiếu bao nhiêu khăn mặt trên tổng số 218 cháu không: thiếu có… 196 cái thôi ạ 😦

8. Thuốc tẩy giun: Vụ này vốn coi là bất khả thi khi thấy tình trạng “loay hoay ngoài bụi” của các con, nhưng nay đã có nước thì đương nhiên việc tiếp theo là phải tẩy giun thôi. Không thì mấy miếng thịt bé bỏng các bác gắp vào bát con chưa kịp đắp vào người đã bị giun xơi hết rồi. Bạn nào mà không có giá cất hàng tốt như tôi: Fugacar một liều 15.500đ (mười lăm ngàn năm trăm đồng) thì tôi phục vụ luôn việc đánh hàng nhé. Ta cần 218 liều cho đợt uống lần này. Yên tâm ít nhất được 6 tháng.

Trên đây là những thứ thiết yếu cần hỗ trợ theo số lượng chính xác để các bé ở điểm trường khác nhau đều được hưởng sự công bằng. Từ số 1 đến số 4 tôi nghĩ ta phải gửi kinh phí lên để giải quyết tại chỗ. Số 5 đến số 8 thì ta góp hiện vật chở lên cho các con.

Còn rất nhiều những thứ khác ta có thể gom hàng vào gánh mà không lo ế:

–         Quần áo, tất, khăn, mũ…: Bạn thấy các bé phong phanh thế nào rồi đấy. Lứa tuổi, số lượng và giới tính của các bé tôi đã liệt kê ở trên. Mong bạn lục lại thùng đồ cũ, hoặc mặt dày như tôi giả lả đi xin bất cứ ai mình gặp, được chút nào thì gom vốn cùng tôi nhé bạn.

–         Đồ chơi: Bóng, búp bê cũ, thú bông cũ… bất cứ thứ gì con hay cháu bạn không còn chơi nữa, xin đừng quăng đi, chúng tôi xin được lượm trước ạ.

–         Sách truyện nhi đồng: Ở trường các bé có góc nghe đọc sách hẳn hoi nhé, hiềm nỗi không có sách nên các cô phải đi kiếm báo về đọc cho các con nghe. Bạn có cuốn sách nhi đồng cũ nào nhớ cho tôi xin lại, sách vốn quý nhờ thông điệp nó chuyển tải chứ không vì bìa rách, gáy sờn mà kém đi giá trị.

–         Kể tiếp thì có đến sáng mai: bấm móng tay để đuổi bớt lũ trứng giun, thuốc nhỏ mũi để chấm dứt mũi xanh ngắn dài, hộp kim chỉ để khâu lại quần áo rách cho các con… cái gì tôi cũng hỏi nếu tôi mang lên thì các cô có thể có thời gian làm thêm những việc ấy cho các con không (đố bạn đánh vật với lũ cún con ấy 1 ngày mà không bở hơi tai đấy) và câu trả lời là: “Được chứ chị, bọn em còn giờ đón trẻ để cắt móng tay và nhỏ mũi, còn giờ các con ngủ để vá quần áo, nếu các con đi học về sạch sẽ gọn gàng thì chắc gia đình sẽ phấn khởi và sẽ có nhiều đứa bé được đến trường hơn.”

Còn một thứ nữa mà tôi cứ phải bàn đi bàn lại với chị tôi xem có nên viết vào đây không, tôi thấy rất ngại vì e có bạn không thông cảm, chị tôi lại nghĩ cái gì cần thì nên lên tiếng, không thì ai biết mà giúp. Hy vọng lần này chị tôi đúng, chả gì chị ấy cũng già hơn tôi mấy tuổi cơ mà (tranh thủ dìm hàng đây :)).

Khi tôi hỏi cô hiệu phó MG Pa Cheo: “Còn các em thì sao? Bọn chị có thể làm gì cho các em không?”, cô trả lời: “Chúng em cần đồ dùng dạy học chị ạ, thực ra là có mấy tờ giấy in hình các đồ vật, con thú để dạy cho các con các khái niệm thì tốt, còn những cái khác bọn em có thể tự chế ra được.” (Cái tài chế này tôi đã có lần khoe với các bạn rồi đấy, con nhà khó bao giờ cũng tháo vát nhỉ bạn nhỉ). E cô chưa rõ ý mình, tôi hỏi cụ thể hơn: “Còn đời sống riêng của các em thì sao? Các em có cần gì không?” Cô một mực nói ở đây các cô không cần gì cả, các bác giúp cho các cháu được là quý lắm rồi, giúp cho các cháu đang đi học là mở đường cho các cháu bị giữ ở nhà sẽ được đến trường. Tôi hỏi: “Thế buổi tối các em làm gì? Các em có xem TV không?” Cô nói: “Không chị ạ. Bọn em không có tiền mua TV. Chỉ có mỗi điểm trường chính có 1 cái, còn các điểm khác thì không có ạ.” Tôi có 1 cái TV cũ có thể tặng lại cho các cô, nhưng còn 4 điểm khác nữa, bác nào còn xếp xó bất cứ cái TV nào dù to dù nhỏ, cho mẹ cháu xin vác lên tặng các cô thì mẹ cháu cám ơn lắm lắm ạ. Nếu có gì thất thố, xin các bác rộng lòng bỏ quá cho.

C. Giờ họp chợ: Tôi dự định gánh cái gánh hàng xén này đến chợ vào lúc 7h sáng ngày 3/1/2012 (tức ngày đầu tiên đi học trong năm mới của các con), bác nào có đi phượt ở gần đấy vào thời gian ấy nhớ ghé vào cùng buôn bán với chúng tôi nhé. Cụ thể chúng tôi chia làm 6 tốp (mỗi tốp 2 người :)) cùng lúc tản ra cả 6 điểm trường làm những việc sau:

–         Trao quà cho các bé.

–         Chơi cùng các bé.

–         Cho các bé uống thuốc tẩy giun.

–         Tổ chức cho các bé bữa liên hoan đầu năm.

–         Kiểm tra tình hình cấp nước và các vật dụng đã gửi trường kinh phí trang bị.

Mọi đóng góp cho gánh hàng xén xin gửi theo địa chỉ liên hệ của “Cơm có thịt”, xin ghi chú rõ hộ “dành cho Pa Cheo”. Mong sẽ sớm có nhiều tin vui để chia sẻ với bạn. Cám ơn bạn đã ngồi nghe tôi kể lể dông dài.

22 thoughts on “Góp gió thành bão – Gánh hàng xén lên Pa Cheo

  1. Sống Thật Chậm thân mến,

    Đọc danh sách hàng xén của Sống Thật Chậm có món thuốc tẩy giun. Nhớ đến món này tôi rùng mình vì đây là ác mộng thời còn ở Việt Nam, từ nhỏ đến lớn… không dám nhắc, nhưng không nhắc thì các bạn không biết ác mộng của tôi là gì, mà nhắc thì sợ làm phiền các bạn, vì các bạn sẽ nhớ lại cảm giác trơn tuồn tuột của con giun đũa. Sợ lắm, nhất là khi nó kẹt!

    Tôi có một người em họ chết vì bị giun quắn thành nùi trong ruột, khi gần chết em nôn ra giun.
    Vì thế làm sao để có nhà vệ sinh…hả Sống Thật Chậm?

    Và gánh hàng xén này còn thiếu lược chải chí, thiếu tông-đơ cắt tóc. Sống Thật Chậm ơi, thuyết phục các cha mẹ cho con cắt tóc ngắn nhé vì sẽ đẹp, vệ sinh, không cần nhiều nước để gội đầu, xả tóc… Lớn lên khi các em tự giữ được vệ sinh thì để tóc dài mấy hồi!

    Sống Thật Lười

    Tên Sống Thật Chậm thật hay, chậm mà không chậm… vì không chậm trong việc giúp người! Bắt chước Sống Thật Chậm, tôi xin lấy tên Sống Thật Lười, lười mà không lười vì tôi sẽ lười làm chuyện không tốt, không đúng, không đẹp nhưng tôi sẽ không lười làm các chuyện tốt, chuyện đẹp và chuyện đúng phải không Sống Thật Chậm?

    Sống Thật Chậm vào Google gõ Eloge de la lenteur sẽ thấy người ta ca tụng rất nhiều cho việc sống chậm… oai hen, nhưng lười là “quyền được lười” đấy nhé!

    • Bạn thân mến,
      Việc một số điểm trường chưa có nhà vệ sinh là một điều khiến tôi trăn trở mấy hôm nay. Nhưng quả thực việc này nằm ngoài khả năng nhỏ bé của tôi bạn ạ. Hy vọng là lâu dài sẽ nghĩ ra cách nào đó để giải tỏa nỗi trăn trở này. Đúng thực nếu không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cho các con thì việc tẩy giun chỉ là biện pháp tình thế, hay nói trắng ra là “dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi.
      Bạn không hỏi thì tôi cũng quên mất khoe: các con tại vùng cao này không có chấy bạn ạ… Tôi cũng ngạc nhiên vô cùng khi nhận được câu trả lời ấy từ cô giáo. Giải thích chắc phải nhờ tới các nhà khoa học. Hẳn khí hậu ở đây làm chấy không sinh sống được hay sao đó chứ xét về điều kiện vệ sinh thì chuyện không có chấy là gần như không tưởng.
      Việc bà con vùng cao không cho người khác cắt tóc con mình chắc thuộc về tập quán dân tộc mất rồi, chúng ta không thể làm gì thay đổi được và có lẽ cũng không nên thay đổi vì tôn trọng văn hóa của mỗi dân tộc. Giải pháp trước mắt là cung cấp dây buộc tóc để cô giáo giúp các bé giữ đầu tóc gọn gàng hơn thôi ạ.
      Nếu sống lười là lười làm việc xấu và chăm làm việc tốt thì tôi cũng xin tự nguyện đổi phương châm sống từ sống chậm sang sống lười ạ 🙂 Cảm ơn bạn đã chia sẻ cùng tôi.

    • Bác cứ làm mẹ cháu tổn thọ 🙂
      Bạn ạ, bác Tuấn là chủ gánh, bác Thùy Linh là người rao hàng, tôi – STC là kẻ gánh hàng lẽo đẽo theo sau ạ.
      Bạn góp hàng vào gánh thì xin cứ thả vào sọt nhà bác Tuấn ạ.

      • Ok, rứa cũng được, tui ngày trước gánh nước dẻo phết đấy.Bây giờ gánh hàng xén cũng được chứ sao. Mà nhất là có người gánh hộ ( hê hê…). Chủ gánh mà không phải gánh thì sướng hơn tiên.Góp ý là từ Sapa không nên đi lúc 6 g vì có lẽ mùa đông sương và mù khá nhiều, đi không an toàn. Phải quan sát thời tiết rồi mới xác định giờ đi được. Nếu không, có khi chẳng nhìn ra chỗ rẽ vào Pacheo mà đi tuốt về Mường Hum đấy !

      • Vâng ạ. Là bây giờ cứ tính thế. Đến hôm đi xem thời tiết cụ thể thế nào mới tính được giờ khởi hành từ Sapa ạ. Tại bọn em phải vào điểm trường chính rồi mới có người dẫn đi các điểm trường khác nên sợ không sớm thì không kịp bữa trưa cho các bé ạ.

  2. Pingback: Góp gió thành bão – Gánh hàng xén lên Pa Cheo « Nguyễn Tuấn Anh

  3. Chị ơi e có thể giúp gì vào dự án này không ạ? Ví dụ như huy động mọi người tới phân loại quần áo ^^ Hoặc là địa điểm tiếp nhận đồ ủng hộ từ mọi người 🙂
    Em cũng rất muốn tham dự chuyến đi này cùng chị và mọi người để hiểu hơn về cuộc sống của các bé ở Pa Cheo 🙂
    Contact của em:
    YM: anh_nguyet74
    Skype: anhnguyet_hro
    Email: anhnguyet.ql@gmail.com
    ĐT: 0934350600

    • Kho ở Cầu Diễn đang rất cần người phân loại quần áo bạn ạ. Sang tuần có chuyến đi Điện Biên mà. Nếu bạn có thể huy động người đến giúp thì tốt quá. Địa chỉ kho và thời gian làm việc bạn có thể xem ở trang của anh Tuấn (trandangtuan.wordpress.com).
      Chúng tôi hoan nghênh bất cứ ai có lòng đi thăm các bé, càng đông càng quý mà bạn 🙂 Có điều đây là đi làm thiện nguyện nên mọi việc đi lại ăn ở các cá nhân tham gia phải tự thu xếp. Bạn có thể vào thẳng trường vào lúc 7h30 sáng 3/1 để tham gia cùng chúng tôi hoặc nếu cần người dẫn đường thì hẹn gặp bạn ở trước nhà thờ trung tâm Sapa vào lúc 6h sáng cùng ngày (bạn nhớ để lại lời nhắn tại đây nếu bạn cần người dẫn đường nhé, kẻo bị bỏ rơi lại thì có nước mếu :))

  4. Đi Pa Cheo lần này có lẽ anh Tiến không đi được rồi. Hơi bị tiếc. Sẽ góp vào đó thứ gì đấy. Cái mục giát giường có tiện không hay là xốp trải như mấy trường khác đã làm?

    • Như bác vẫn nói, đây là một hành trình dài mà, phải không bác, không có gì phải tiếc khi lỡ một cuộc đi ngắn cả 🙂
      Em đã cân nhắc rồi ạ: xốp trải sàn tuy có vẻ êm và ấm hơn nhưng khi trải trực tiếp xuống đất rồi trẻ nằm lên sẽ khó tránh được hơi đất; mùa hè nóng nực trẻ nằm trên xốp lại không thoáng; lâu dài những miếng xốp ghép bị tháo ra lắp vào hàng ngày sẽ hỏng khớp nối, rời rạc ra thì các cháu nằm sẽ khó.
      Bác có lý ở chỗ giát giường trải chiếu sẽ bị lạnh lưng trong thời tiết này. Để em hỏi lại xem tổng số giát giường trường dùng là bao nhiêu, kích thước thế nào rồi em may những tấm trải chần bông để các bé lót nằm cho ấm ạ.
      Cám ơn bác nhắc nhở mẹ cháu.

      • Nhà em chuyển nhà nên đang thừa ra 2 bộ dát giường tốt (4 cái). Mình có thể đem từ HN không thì em ủng hộ luôn? Ngoài ra em còn 1 số đồ chơi cũ, mấy tờ tranh dạy trẻ mầm non nhận biết đồ vật, hoa quả (mới mua cho con gái nhưng sang nhà mới chưa kịp treo lên), chắc còn 1 số đồ khác nữa… Riêng cái TV nhà em đang thừa nhưng phải về hỏi lại MC xem mẹ em có định đem cho đâu không, nếu không em cũng xin ủng hộ nốt ạ!

      • Có thể mang lên được bạn ạ. Quý quá, bạn cho chúng tôi xin. Lúc nào tiện cho bạn, xin cho biết thời gian và địa điểm để chúng tôi cử người qua nhận ạ. Cám ơn bạn rất nhiều.

  5. Bạn mến, tôi xin đóng góp cho gánh hàng xén của bạn môt ít. Hiện nay tôi đang ở xa nên đang liên lạc nhờ người quen ở Saigon gởi giúp giùm. Sẽ liên lạc với bạn ngay sau khi người quen nhận lời nha. Chúc gánh hàng xén của bạn có nhiều hàng!

    • Cám ơn bạn đã đem lại may mắn cho gánh hàng của tôi.
      Tin vui đầu tiên đã bay đến: một người bạn của tôi đã quyết định chung vào gánh hàng xén khoản số 1 (nước sạch) và khoản số 3 (ủng). Người bạn này rất đặc biệt, một ngày nào đó tôi sẽ giới thiệu chị với các bạn.
      Vậy chúng ta tập trung vào những khoản còn lại bạn nhé.
      Chúc tất cả một Chủ Nhật yên lành.

Bình luận về bài viết này