Gặp lại ngày xưa…(1)

Ngày xưa của tôi có những buổi trưa xách cặp lồng cơm đến lớp…
Hồi ấy trẻ con chỉ học 1 buổi, chúng tôi học lớp chuyên nên có những đợt học 2 buổi để luyện thêm. Một trong những lý do tôi thích những ngày học 2 buổi là tôi được mang cặp lồng cơm đi học, vừa trông như người lớn, vừa được dịp trao đổi, ăn thử cơm nhà người khác 🙂
Lần này khi bám chân đoàn khảo sát “Cơm có thịt”, tôi lại thấy cảnh các em bé lũn cũn xách cơm đến trường.

Gia tài của cháu: quyển sách quý nhất đấy ạ.

Có điều cách đây hơn 30 năm, giữa thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, cơm của tôi vẫn có chút rau và tí đồ mặn như lạc rang nước mắm, còn đây là cơm của các bé mầm non huyện Bát Xát ngày hôm nay.

Cháu mang cơm với cá mắm, (lúc này bé mới giở cặp lồng ra chứ chưa ăn đâu ạ)

còn cháu mang cơm với... thìa ạ!

Ngày xưa của tôi có nỗi thèm ăn thường trực…
Các con tôi không bao giờ hình dung nổi chuyện nửa lạng thịt dành cho một bữa ăn tươi là như thế nào. Thời của tôi, “tiêu chuẩn nhân dân” được vài lạng thịt một tháng luôn phải cố ý mua mỡ để còn xào rau, lấy tóp mỡ rang cơm. Quả thực nếu lạng ra được một rẻo thịt nạc thì trẻ con sung sướng lắm vì thế nào cũng được ưu tiên. Nhờ thế chúng tôi có khái niệm “ăn dè”: miếng thịt cứ nằm trên mặt bát cơm, nhìn cho sướng mắt, rồi nó cứ tụt dần xuống đáy bát mà chẳng suy xuyển mấy về hình dáng, “ăn dè” mà 🙂 Cái đói lúc nào cũng lảng vảng xung quanh, rõ ràng vừa ăn no bụng bữa cơm độn mì sợi với rau luộc chấm nước mắm xong, thoáng cái đã thấy đói meo lúc nào.
Ở Mẫu giáo (MG) Dền Thàng, chúng tôi may mắn đến đúng bữa các con ăn trưa. Những cái miệng xinh xinh loáng mỡ vì hôm nay các con được ăn thịt. Nhờ có chương trình “Cơm có thịt” của các bác trên mạng, các bé được ăn hàng tuần 2 ngày thịt, 1 ngày đậu, 1 ngày trứng và 1 ngày cá mắm. Các cô bảo bát đầu tiên thường chia hết đồ ăn vào bát các con cho công bằng, thế là các bé cũng có chiến thuật ăn dè ngay lập tức, nhín đồ ăn lại để khi xin cơm bát sau hoặc bát sau nữa vẫn còn cái vị ngon ngọt lẫn vào với cơm.

Tô canh của các con cũng có màu sắc hơn trước đây.

Ngày xưa của tôi có cái lạnh tím tái chân tay…
Mãi đến giờ nhiều khi mấy chị em tôi vẫn còn thắc mắc khi mình còn bé thời tiết lạnh hơn bây giờ hay sao mà cái lạnh cứ thấm vào xương, luồn lách trong người bất chấp mấy lớp áo mỏng mặc chồng lên nhau bên ngoài. Con tôi không tưởng tượng nổi khi tôi kể lại chuyện tôi và bạn bè thường chơi trò thách nhau đoán được hôm ấy mặc mấy áo trên người, kỷ lục là 1 lần cô bạn tôi (một cô bé lớp 3 gầy gò) mặc đến 13 áo 🙂
Giữa nơi rừng núi mây phủ gần như suốt ngày này, các bé MG mà chúng tôi ghé thăm chỉ phong phanh 1 đến 2 lớp áo. Sang lắm thì có thêm cái khăn hoặc cái mũ. Chân trần không phải là hiếm. Có đôi bàn tay bé nhỏ tôi ủ mãi trong tay mình mà không thấy ấm lên được bao nhiêu.

Chân nọ kê lên chân kia sẽ đỡ lạnh cô ạ, thật đấy!

Ngày xưa của tôi có chiếc chăn kéo kín cổ thì hở chân…
Bạn đã bao giờ đắp chiếc chăn bông nào bị giạt bông chưa? Cái chăn của tôi ngày bé tôi thuộc như thuộc lòng bàn tay, khi đắp vào thì phải lựa đôi chân thế nào cho đừng vào chỗ chỉ có mỗi 2 lớp vải mỏng manh.
Cái sạp tre chật ních “trứng gà, trứng vịt” ở MG Y Tý làm tôi thấy ấm lòng. Đố bạn biết bao nhiêu đứa chia nhau 1 cái chăn đấy? Chắc chắn bạn không đoán ra. Vì bạn không biết tuyệt chiêu của các cô giáo nơi đây:

Trở đầu đuôi nhé: 11-12 bạn một chăn chỉ hụt tý.

 

Thế này thì lúc dậy "tê rần không hiểu vì sao tê rần" 🙂

Ngày xưa của tôi có chị tôi chờ đón những chiều tan học đường xa…
Chị em tôi yêu nhau lắm. Tình yêu ấy theo trí nhớ của tôi bắt đầu từ những ngày chị đưa tôi đến lớp MG và đón tôi về ở nơi sơ tán. Con chị, nhỉnh hơn con em tí tẹo, dắt em đi thập thõm trong bóng chiều nhập nhoạng. Tôi nhớ chị tôi khi bắt gặp cô bé 8 tuổi ngồi chờ đón em 3 tuổi ở MG A Lù.

Đợi em tan học.

 

Nhà cháu có 4 chị em, cháu lớn nhất cô ạ.

Những ngày xưa thân thương ấy tôi chỉ mong mãi nằm trong ký ức, mong con mình không bao giờ phải trải lại. Vậy mà sau gần 4 thập kỷ, tôi gặp lại nó nguyên vẹn nơi đây, tệ hơn tôi hình dung rất nhiều. Thấy đắng trong lòng… Đành tự an ủi mình rằng tuổi thơ khốn khó năm xưa đã trao cho tôi nghị lực sống mạnh mẽ, trau giồi cho tôi sự tháo vát và khả năng chịu đựng mà thế hệ các con tôi không có, hy vọng các em bé nơi đây sẽ dựa vào ưu thế ấy mà tôi luyện lòng quả cảm cho mình. Dẫu có thế nào, vẫn cần lắm những bàn tay nâng bước các em.

Bạn có biết:
Trẻ em 3-5 tuổi ở miền núi vẫn tự mình đến lớp. Đã đành không có nỗi ám ảnh xe cộ như ở phố phường, nhưng còn lối đi ghập ghềnh dốc đá, còn khe sâu bên đường…? Lòng hiếu học nơi đây thật mãnh liệt.
Một em bé 3-5 tuổi có thể ăn đến 4 bát cơm. Cơm nấu nở bung, hạt gạo to như ngô, nhạt thếch. Vậy mà đứa ăn khỏe có thể ăn đến 4 bát. Lý do rất đơn giản: ở nhà con không có thức ăn, chỉ có rau luộc và khi nào sang lắm thì vài vụn cá mắm (tôi đã nếm thử: đó là cá khô loại nhỏ đã mủn vì để lâu, mặn đắng lưỡi). Các cô giáo nói mùa giáp hạt, có bạn cha mẹ chỉ đóng bột ngô chứ không có gạo, có bạn cha mẹ chẳng có gì mà đóng, các cô đành thêm chút gạo của mình vào, trộn tất cả lại với nhau, nấu chung lên và chia đều cho các con theo lượng cơm độn có được ấy. Những thời điểm ấy, 1-2 bát cơm độn ở trường vào bữa trưa là chủ lực thay thế bữa chiều không cơm chỉ có rau luộc lấy lệ ở nhà.

Rá cơm gạo góp ở MG Dền Thàng

Các bé mầm non huyện Bát Xát chưa có khái niệm sữa và bánh mì. Trong 38 cháu ở MG Pa Cheo chỉ có 1 cháu biết sữa tươi là gì và biết cách uống một hộp sữa như thế nào. Hầu như tất cả các bé ở Dền Thàng, Ngải Thầu, A Lù… từ mầm non đến tiểu học đều không biết bánh mì là gì. Có em đoán ra rằng đó là một loại bánh nhưng mà chưa được ăn bao giờ. Cảm ơn lắm lắm một bạn ở diễn đàn “Cơm có thịt” đã ủng hộ bánh mì và sữa đặc cho các bé.

Nâng cao lên cho em chấm với nào!

Tôi không phải nhà văn, chẳng phải nhà báo, lại rất ghét chụp ảnh. Theo chân đoàn lần này chỉ muốn tìm câu trả lời cho một số băn khoăn của mình. Tôi giận mình không biết chụp ảnh để mang về cảm giác thật của con dốc dựng đứng ở MG Ngải Thầu, nơi người lớn miền xuôi phải rón rén lần từng bước, dừng nghỉ mấy lần để thở, trẻ con lớp 3 miền ngược vẫn ôm bó củi chạy phăng phăng; tiếc mình không ghi lại được hình ảnh bàn tay bé bỏng lạnh tím của em bé 3 tuổi với thân hình chỉ nhỉnh hơn con búp bê một tẹo.
Vài cảm tưởng lan man về chuyện ăn, chuyện ngủ của các bé, thấy đã dài dòng lắm rồi. Ngày mai sẽ kể tiếp với bạn về chuyện học của các con nhé.

49 thoughts on “Gặp lại ngày xưa…(1)

  1. Chi T ơi, đọc bài này em nhớ ngày xưa của mình quá, y chang chị à. Cảm nhận của chị sâu sắc quá. Xin treo bài này vào bức rèm nhà em chị nhé.

    • Được em ạ, em cứ tự nhiên. Cám ơn em đã giúp sức cho bài viết đến với nhiều người khác.

      • chị ơi, lại tổ chức tình nguyện để giúp đỡ các em đi chị. Đọc bài viết của chị sâu lắng, chân thật mà cảm động quá :(. Nhìn hình ảnh các em thấy mà thương,

      • Su hào à, trong dịp hè thì chỉ có hoạt động chuẩn bị hàng ở Hà Nội thôi. Đầu năm học tới mới có các chuyến chuyển hàng lên trường. Su hào ghé trang Gánh hàng xén để xem có thể giúp một tay vào hoạt động nào nhé.

  2. Đọc các bài viết của Sống Chậm tôi không thể không “còm,” một xúc cảm rất mạnh buộc tôi phải còm vì nó đã chạm đến tuổi thơ đằm thắm và quý báu của tôi.
    Như bác Tuấn, bác Tiến đã nói, nhà văn cao tay chưa chắc đã viết được như vậy, tôi hoàn toàn đồng ý vì khi đọc tựa đề “Gặp lại…” nằm trong bối cảnh blog nói về những chuyện từ thiện giúp trẻ em nghèo thì tôi thấy ai mà đặt tựa khéo vậy…
    Gặp lại!
    Gặp lại, gợi lên một tìm lại, vui có, buồn có.
    Đọc các còm trong blog bác Tuấn và Sống Chậm tôi thấy các bạn bày tỏ xúc cảm “Tôi đã khóc…,” tôi thầm nghĩ sao họ dễ khóc thế. Khóc như thế thì chỉ cần nhắm mắt lại là khóc thôi, bao nhiêu tình cảnh đau thương trên thế gian này, làm sao khóc cho hết. Khóc một, hai, ba lần… thì nước mắt sẽ khô, làm sao khóc tiếp nhưng đọc đến đoạn…
    “Ấn tượng mạnh nhất về các em bé học sinh vùng cao mà đoàn chúng tôi ai cũng có là các em ngoan ngoãn, thân thiện và cực kỳ lễ độ.
    Khi được tặng quà bánh, các thầy cô lấy một cái sọt nhỏ để giữa vòng tròn, các bé biết tự động đem vỏ kẹo, vỏ bánh, vỏ hộp sữa bỏ vào trong sọt. Ngoan thật là ngoan. Ai dám bảo, những người sống giữa thị thành văn minh hơn những em bé nơi đây.
    Trong bữa cơm trưa của học sinh MG Dền Thàng, tôi phục lăn khi thấy các bạn lớn trong lớp phụ cô bưng cơm ra bàn cho các bạn nhỏ. Cả lớp không ai ăn trước, chờ ai cũng có cơm đã, rồi đồng thanh mời: “Chúng con mời cô ăn cơm ạ.” Ôi, cái giọng non nớt của chúng sao mà đáng yêu đến thế.
    …Ở trường tiểu học nội trú Suối Giàng, các cô bé cậu bé được giúp mặc áo, cài áo xong đều khoanh tay lễ phép nói với tôi: “Cháu xin cô ạ” hay “Cháu cám ơn cô ạ”. (Hoa trên đỉnh núi)

    thì tôi khóc thiệt, không những khóc mà buồn da diết, lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau: “Con người bản chất tự nhiên là tốt, chỉ có xã hội mới làm cho con người thành xấu đi…”
    Từ trước tôi đã không thích câu này và bây giờ tôi cũng vẫn không thích, nó gợi lên một suy nghĩ khó xử, bởi vì nó vừa đúng, vừa không đúng.
    Đẹp biết bao nhiêu, dễ thương biết bao tâm hồn trong sáng của các em.
    Tôi nhớ lại các kênh truyền hình ở phương Tây cũng như phương Đông, trẻ em đâu cần phải xem các phim bạo lực, gây gổ, đâm chém nhau…
    Cám ơn Sống Chậm nhé, sẽ còm tiếp…

    • Cám ơn bạn, người tặng tôi món quà đầu ngày: cho tôi biết tôi đã chạm được đến trái tim của bạn.
      Tôi không dám nhận những lời khen tặng khác về cách viết của tôi, vì tôi thực sự chẳng có kỹ thuật hay tài năng gì của một người viết văn cả. Lợi thế lớn nhất của tôi là tôi có quyền chỉ viết những gì thực sự thôi thúc bên trong mình. Đơn giản là tôi ngồi xuống, tâm sự với bạn và những người có duyên ghé qua đây như tâm sự với những người bạn thân thiết nhất của mình, không sợ bị soi mói, không sợ bị đánh giá hay quy chụp gì hết.
      Cảm ơn bạn cả về những giọt nước mắt quý giá nữa ạ. Mặt phải của cuộc sống tách biệt và thiếu thốn ở nơi xa xôi ấy là các bé như những mầm non ươm trong môi trường trong lành, thuần khiết nên cứ mơn mởn xanh, mơn mởn lớn bất chấp điều kiện khắc nghiệt.
      Chúng ta ai cũng phải chịu một phần trách nhiệm về sự thoái hóa của xã hội: sự thoái hóa về tình thương, về nhân cách con người bạn nhỉ, vì chúng ta làm nên xã hội chúng ta đang sống mà.

  3. Đọc một bài viết cảm động – nước mắt lã chã – lòng bồi hồi. Bao năm qua rồi, mình vẫn mít ướt thế, vẫn dễ mủi lòng trước những cảnh ngộ xung quanh. Nhưng những xúc cảm thoáng qua đó nhanh chóng bị những ồn ào thường nhật chiếm chỗ..nhạt dần…

    Xin cho tôi được bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các anh, các chị đã luôn giữ được xúc cảm yêu thương để thổi bừng thành ngọn lửa. Quý lắm lửa hồng đem được hơi ấm cho những cảnh đời trong giá rét.

    Hôm nay tôi được tiếp lửa, cũng xin truyền chút ấm áp cho các bé vùng cao..dù biết là chẳng được bao nhiêu nếu không giữ được ngọn lửa trong bản thân mình.
    Bỗng dưng mong con gái lớn mau một chút..

    • Ẩn sâu trong trái tim mỗi người, tôi tin đốm lửa bạn nói vẫn âm ỉ cháy. Gặp nhau trên mạng thế này, điều an ủi nhất là thấy mình không lẻ loi khi để ngọn lửa bùng lên.
      Cẩn thận với điều ước nhé bạn, khi con tôi còn bé, tôi cũng ước như bạn, giờ đây khi chúng cao to hơn mình, lại ước giá chúng cứ bé bỏng như ngày nào 🙂

  4. Cám ơn Sống thật chậm,
    Tôi cũng hay đi nhưng chỉ vì yêu vẻ đẹp của hoa, của rừng, của núi non hùng vĩ mà quên ( hay lờ) đi những mảnh đời lom khom dưới chân núi. Những việc làm của anh chị thật có ý nghĩa.

  5. Sống chậm ơi Lana xin cái hình “đợi em tan học” và dẫn link về nhà bên Xóm Giỏ Thị nhé. Cái hình ấy, gợi nhớ tuổi thơ quá đỗi, Sống Chậm ạ.

    • Vâng, bạn cứ tự nhiên đi ạ.
      Cô bé ấy có nụ cười bẽn lẽn, giọng nói thanh thanh, ngồi tách ra khỏi cái đám đông ồn ào đang tranh nhau chấm bánh mì vào sữa. Bé có dáng ngồi cô đơn đến nao lòng nhưng khi được hỏi chuyện thì lại rất cởi mở.
      Bác Tiến mà không bị bỏ rớt lại giữa đường thì có khi lại có cảm hứng cho một truyện ngắn rõ hay rồi đấy.

      • Bác Tiến chả rỗi hơi đi viết truyện. Đang mê mải cái dự án kiếm xiền đã kể. Khekhe…

      • Ơ hay, bác mới ngồi uống nước vỉa hè chờ xe tý đã dỗi đấy à 🙂 Bác cứ dùng sở trường của bác, viết truyện thật hay để mẹ cháu vác in rồi bán chẳng ra khối xiền ấy à. Khekhe… Bác T. này mà vứt ngòi bút chạy đi kiếm được xiền thật thì thiên hạ sắp đại loạn rồi 🙂

  6. Chán như con gián vì máy Quả táo ở nhà sai phông chữ, đọc chữ tác thành chữ tộ…Chưa bít cách nào làm được đây? Cố lên T. ơi…Chịu khó đi và viết thật lực vào nhé. Bỏ quách kinh doanh đi viết báo, viết văn đi…Hehee…

  7. Đọc bài của bạn tôi cũng “Gặp lại ngày xưa” của mình . Rưng rưng trong lòng ..những ngày xưa …và những ngày nay !

  8. Bài viết thật nhiều cảm xúc! Tôi rất tiếc không đi tiếp cùng mọi người được lên Lào Cai, để có được những cảm nhận sâu sắc như vậy. Ở Suối Giàng, cảm nhận của tôi mới chỉ là niềm vui được sẻ chia, là những nụ cười hồn nhiên và ánh mắt trong veo của các bé, mà chưa phải là những giọt nước mắt tự đáy lòng. Cho tôi mang bài này về treo bên blog của tôi nhé. Cảm ơn bạn T.
    (tuanhavn.blogspot.com)

  9. Bài viết của bạn thật là cảm động,
    Tôi cũng đã đi nhiều nơi Tây Bắc qua dự án Chia sẻ,
    Cũng đã thấy nhiều, đọc nhiều về các bé ở Miền núi này,
    Cũng đọc các bài của bên bác Tuấn, bài trên nga2… thật cảm động, tưởng chỉ đến mức đó là hết
    Nhưng đọc bài của bạn thấy còn nhiều lắm, chưa hết đc

    Cám ơn bạn nhiều,

    Chúc bạn và gia đình Bình An Hạnh Phúc Thành Công

    • Đúng đấy bạn ạ, chẳng bao giờ hết được. Ai có tấm lòng cũng phải tiếp tục tìm kiếm thôi. Cám ơn bạn về lời chúc tốt đẹp. Cũng xin chúc lại bạn vạn sự như ý ạ.

  10. Pingback: Gặp lại ngày xưa… « Nguyễn Tuấn Anh

  11. Đọc bài của chị, nước mắt cứ rơi lã chã. Cảm xúc tràn về: 1 ít phẫn uất, 1 ít xót thương, 1 ít bi quan… nhưng yêu các bé và lạc quan thì thật nhiều!

  12. Bạn làm tôi nhớ đến tuổi thơ của mình cũng y chang như những gì bạn viết. Con mình bây giờ nói chúng nó không tin, nhân dân anh hùng mỗi tháng nhất lạng đường nhất lạng thịt và nửa lít nước mắm không biết phải tả thế nào, cơm độn mỳ sợi là còn hạnh phúc, chuyện ăn bobo và cháo lúa mạch đến bây giờ vẫn còn không thể quyên. Mong lắm để có nhiều tấm lòng như bạn.

    • Bạn với tôi là ta đã có 2 tấm lòng, là số nhiều rồi phải không bạn. Đùa thôi, số lượng người đọc bài này khiến tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều tấm lòng ở ngoài kia. Lần đầu tôi tin chúng ta không lạc lõng với lòng trắc ẩn của mình.

      • Anh Tiến sáng nay đã dẫn link sang facebook. Bên đó có một số bạn đọc và tiếp tục mang về trang mình. Anh Tuấn cũng đã post bài về blog anh ấy. Chắc mọi người đọc xong cũng sẽ làm thế. Tiếp tục viết đi nhé. Bài tốt sẽ có nhiều người ủng hộ.

  13. Một tấm lòng nhân hậu, đọc mà thấy thèm khát được như tấm lòng ấy. Và thấy mình bé nhỏ!
    Chúc chủ nhà luôn làm được những điều mong muốn!

    • Cảm ơn bạn. Bạn sẽ không tin đâu, tôi đã tần ngần rất lâu trước khi liên hệ với anh Tuấn, anh Tiến để xin đóng góp phần nhỏ sức mình vào dự án này. Rồi tôi đọc được ở đâu đó: mọi con đường dài đều bắt đầu bằng một bước chân nhỏ, thế là tôi mạnh dạn bước vào. Ai cũng có một tấm lòng, nếu ai cũng dám mở lòng mình ra thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, bạn nhỉ.

      • “Ai cũng có một tấm lòng, nếu ai cũng dám mở lòng mình ra thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, bạn nhỉ.”
        ===
        Nhất trí và xin bổ xung: Và nếu ai cũng biết làm những việc – suy nghĩ những suy nghĩ của bạn đã và đang có!

  14. Không phải nhà văn, chẳng phải nhà báo nhưng nhà văn nhà báo nào cũng chỉ mong mình viết được những dòng chữ thật đến đắng lòng này. Dẫu đã chứng kiến chính những cảnh này vẫn thẫy rưng rưng bởi cảm nhận của Sống thật chậm.

Gửi phản hồi cho Sống thật chậm Hủy trả lời